Đến miền quê yêu dấu Quảng Nam, bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều đặc sản từ biển, rừng núi hay đồng bằng…
Tóm tắt nội dung
Cháo lươn xanh Quảng Nam
Có dịp đến làng Bình Định, Thăng Bình (Quảng Nam), du khách có lẽ khó cầm lòng với các món đặc sản dân dã từ bao đời nay: cháo lươn xanh hay còn gọi là cháo lươn gạo si.
Món lươn xanh được nấu bằng gạo si, một giống lúa địa phương có từ rất xa xưa, dẻo, thơm và có vị ngọt bùi rất riêng. Gạo sau khi làm sạch được nấu loãng với đậu xanh xay nhỏ một nồi riêng. Con lươn dưới đồng còn sống, bỏ vào hũ đất, cho muối sống vào chà xát nhiều lần để hết chất nhờn rồi rửa sạch bằng nước giếng.
Tiếp đó, người ta bỏ ngũ tạng lươn rồi chặt từng khúc nhỏ bằng lóng tay, trộn đều với sả xắt mỏng như lá lúa với dầu phụng (dầu lạc), đậu phộng (lạc), thêm chút tiêu, hành, ớt rồi um lên bằng nồi đất đậy phía trong là lá chuối non, ngoài là nắp nồi tạo nên mùi thơm cay nồng.
Cháo múc lên thật nóng rồi cho lươn um vàng vào ăn kèm với rau cải cau xanh thật tươi xắt mỏng như sợi bún cùng với đĩa ngò tây, lá hành, rau răm để riêng với một cái bánh tráng dòn tưng.
Khi ăn, người xứ Quảng có hai cách. Có người bỏ luôn một lần cải và các lọai rau, bánh tráng bẻ nhỏ vào tô cháo vừa thổi vừa xúc từng thìa đưa vào miệng xuýt xoa.
Số khác thong thả bỏ từng cọng cải xanh vào từng thìa cháo để thấy vị cau cau của cải xanh, vị bùi của đậu, vị béo mà thơm nồng của lươn, vị ngọt dịu thoang thoảng mùi hương của cây lúa quê nhà. Nhưng tất cả đều ăn nóng và thỉnh thoảng lại cắn một miếng trái ớt xanh làm cho ai nấy ngồi gần thấy mà thèm muốn ăn.
Vì ăn cháo lươn với cải xanh nên người dân ở đây gọi là cháo lươn xanh. Một bát cháo lương gạo si chỉ có 10.000 đồng, cùng với nhấp chén rượu gạo chính hiệu ở đây vừa ngon, lại bổ mà sảng khoái tinh thần vô cùng nên đã thành câu ca: “Gạo Si mà nấu cháo lương/Trai mà không biết uổng đời làm trai”.
Cháo lươn Bình Định ngon nhất là quán của chị Trương Thị Cẩm ở thôn 4. Nhiều du khách, khi tham quan đập Phước Hà, một thắng cảnh nhân tạo của người địa phương cách đó gần 5km, vẫn cố ghé lại quán của chị Cẩm thưởng thức món ăn chân quê bổ khoẻ, rẻ tiền và độc đáo này.
Bánh tổ – hương vị tết Quảng Nam
Trong những món ăn chơi ngày tết của người Quảng Nam và cả trên các mâm lễ dâng gia tiên ngày tết cổ truyền, không thể thiếu bánh tổ. Đây là món bánh đặc sản, bình dân mà hương vị hấp dẫn khó quên một khi đã thưởng thức. Ngay tên gọi bánh tổ đã chứa trong nó ý nghĩa nhớ về tổ tiên, truyền thống đẹp của người Việt trong những ngày sắp sửa và trong tết Nguyên đán.
Bánh tổ còn lấy tên từ chính “ngoại hình” của bánh. Không ai gọi là cái bánh tổ, mà gọi là ổ bánh tổ. Nhìn bề ngoài bánh trông như một chiếc bát, được bọc bằng lớp lá chuối dày dặn.
Bánh có màu trắng, ngà, cà phê sữa, hay “đen như cục đường bát” tùy vào loại và lượng đường dùng làm nguyên liệu chế biến. Bên trên phủ một lớp mè (vừng). Cầm ổ bánh tổ lên, khứu giác còn cảm nhận được mùi gừng thơm lừng quện trong hương vị bánh.
Cái hay của bánh tổ là có thể để được lâu, ăn dần dà cả tháng. Có thể dùng dao bản to xắt bánh ra thành từng lát hình cánh cung, sắp ra đĩa dùng. Hoặc “tét” bánh theo kiểu của người Quảng, dùng một sợi dây cước, một đầu cước ngậm miệng, một đầu cầm tay, xắn ngang ổ bánh tổ đang cầm trên tay kia.
Bánh tổ đã ăn được vừa dẻo vừa ngọt, nên không chỉ bày trên các mâm lễ dâng gia tiên ngày tết Nguyên đán, mà cả trong mâm lễ tiễn ông Táo về trời, loại bánh ngọt người Quảng Nam ưa dùng cũng là bánh tổ. Người Quảng hay nói vui, cho ông Táo ăn bánh tổ, để ông Táo về trời ngọt giọng, dẻo giọng báo chuyện trần gian một năm qua cho suôn sẻ.
Vì bánh tổ để lâu hàng tháng trời, nên lớp lá chuối do thời tiết dễ bị ẩm làm cho mặt ngoài bánh bị mốc khi để lâu ngày. Bỏ đi thì tiếc, nên người biết dùng sẽ gọt bỏ lớp bề mặt và thành bánh xong rồi mới xắn bánh ra, bỏ vào chảo dầu phụng chiên giòn.
Bánh có hương vị đặc trưng khác, hấp dẫn vô cùng. Bánh tổ lúc này không chỉ ngọt, dẻo, thơm lừng mùi gừng, mùi vừng mà còn hơi beo béo, chỉ làm thèm, không hề gây ngán.
Ngày trước, cận tết hầu như nhà nào cũng làm bánh tổ. Giờ không nhiều thời gian, thường người ta đặt bánh tại các nhà làm bánh gia truyền. Ra các chợ ở Quảng Nam và các vùng lân cận ngày giáp tết, cũng thấy bánh tổ được bày bán rất nhiều.
Nhưng những người giữ nếp nhà, được tiếng làm bánh ngon vẫn gắng dành ra ít thời gian làm bánh để ít ra cũng đủ bày trêm mâm lễ dâng gia tiên, sau nữa đem biếu xóm giềng ăn tết. Đây giống như một tục lệ, một cách bày tỏ tấm lòng giữa những người “tối lửa tắt đèn” có nhau.
Bánh bột lọc
Bánh bột lọc tuy mộc mạc, dân dã nhưng lại rất ngon, ai đã từng đến với Tam Kỳ – Quảng Nam thực sự không thể quên được hương vị tuyệt vời của loại bánh này.
Mì Quảng
Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, mì Quảng cũng được chế biến từ gạo nhưng có sắc thái và hương vị riêng đặc biệt. Mì được làm từ lá bánh tráng thái thành sợi, nhân mì thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt heo, thịt bò, cá lóc, cua… và có cả mì chay dành cho người hành đạo.
Nhưng là nhân gì đi nữa thì mì Quảng cũng không thể thiếu cái bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, vài hạt đậu phộng và đĩa rau sống đi kèm. Rau để ăn mì Quảng thường là rau muống chẻ nhỏ hoặc cây cải con trộn với búp chuối non thái mỏng, rau thơm, rau quế…
Ăn mì Quảng nên ăn vào buổi trưa. Gắp một đũa mì cho vào miệng, cắn một miếng ớt thật cay, húp 1 ngụm nước lèo cho phát ra tiếng “soạt”, khi đó mới thấy cái thú, mới thấy cái ngon đầy miệng. Và phải ăn ngay, ăn từ khi còn nóng. Mì Quảng mà để nguội sẽ mất ngon, lá mì sẽ bị tơi ra, rau sống héo đi, cái mùi thơm giòn của rau, đậu sẽ bị tản bớt…
Ăn mì Quảng mà thiếu bánh tráng thì coi như không đúng cách. Bánh tráng cho ta cái giòn giã và thơm tho, cái béo của dầu mỡ quyện với cái béo của gạo nuớng trong bánh tráng càng làm cho người ăn có cảm giác ngon miệng mà không ớn.
Đến Quảng Nam bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhiều quán ăn mì Quảng nằm dọc Quốc lộ 1A luôn đông đúc khách sành ăn: quán mì gà Bình Nguyên (huyện Thăng Bình), quán mì gà Kỳ Lý (thị xã Tam Kỳ), quán mì tôm cua Cây Trâm (huyện Núi Thành), quán mì bò Cẩm Hà (thị xã Hội An)… Một tô mì cũng không quá đắt với giá dưới 20.000 đồng.
Đến Hội An bạn cũng có thể ăn mì Quảng:
– Buổi sáng và trưa: ăn mì gà đường Lý Thường Kiệt
– Buổi trưa: mì gà và mì thịt heo, trứng ở Cẩm Hà, đường lên làng gốm Thanh Hà. Nơi này mùa hè ngồi ăn là lý tưởng vì đối diện với sông,
– Tối, sau 7 giờ: ăn mì gà ông Hai, trước kia ông bán ở chợ vải, nay dời về nhà đường Nguyễn Duy Hiệu.
Cá chuồn Núi Thành
Cá chuồn tập trung chủ yếu ở vùng biển Nam Trung Bộ mà nhiều nhất là vùng biển Quảng Nam. Cá có dáng thon dài, lưng xanh, bụng trắng. Điều dễ phân biệt nó với các loại cá biển khác là cặp cánh dài tận đuôi. Nhờ vậy, nó có thể bay, tuy không cao.
Cá chuồn là món phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của người dân xứ Quảng độ hè về. Và đã là người Núi Thành thì không ai không biết món cá chuồn xanh nướng cuốn rau sống chấm nước mắm ớt, vừa ăn vừa hít hà trong chiều tà bãi Rạng.
Lạ một điều, riêng loại cá chuồn lại ưa củ nén đến kỳ, dù chế biến dưới hình thức nào, từ chiên, kho đến nướng cũng không thể thiếu loại củ này. Vì thế, khi thấy cá chín vàng ươm, người nướng cá sẽ rưới một vài muỗng dầu ăn có phi củ nén, rồi nướng lại khoảng 5 phút để mùi củ nén bám vào cá đánh tan mùi tanh, tạo nên vị bùi của thịt cá chuồn tươi pha lẫn mùi nén thơm lựng.
Nói không ngoa nhưng quả thật mùi của cá chuồn xanh nướng thấm dầu phi nén có sức lan tỏa và quyến rũ “kinh khủng”. Những ngày hè nắng nóng, chỉ cần chạy xe trên đường dọc bãi Rạng, bạn đã nghe mùi cá chuồn nướng từ các lều, quán bãi biển… chỉ lối ra biển không sợ đi lạc.
Cá chuồn xanh nướng ở ngay bãi biển chỉ cần đánh sạch vảy, làm mang, sau đó quạt than đỏ đặt cá lên vỉ nướng khoảng 30 phút đem ra vừa thổi vừa ăn. Có thực khách đem cá nhúng vào nước biển rồi nướng trên bếp than hồng và thưởng thức hương vị ngọt của cá, vị mặn của nước biển thấm vào mà khen lấy khen để.
Cá chuồn chế biến được nhiều món ngon: cá chuồn áp nén chiên giòn, cá chuồn nấu canh với rau ranh, rau muống, nấu cháo gạo, kho, luộc… Nếu là khách phương xa, bạn sẽ được người dân đãi món cá chuồn nướng. Món ăn dân dã này đơn giản, rẻ tiền nhưng hương vị rất khó quên. Các loại cá chuồn đều có thể chế biến món nướng, nhưng được “đánh giá” cao nhất là cá chuồn xanh tươi được ngư dân đánh bắt trong đêm, sáng vào bờ bán lại cho những hộ kinh doanh ở bãi biển để nướng phục vụ khách.
Nếu được ra khơi cùng với những đoàn tàu đánh cá, bạn sẽ có dịp chứng kiến cảnh cá chuồn từng bầy bay là đà, như đám mây vờn trên mặt biển xanh rờn, chập chờn sóng vỗ.
Tầm tháng Ba đến tháng Năm âm lịch, nếu bạn có dịp về biển Rạng (Núi Thành – Quảng Nam) giữa mùa rộ cá chuồn gành, chuồn lộng, chuồn khơi, chuồn cồ, chuồn xanh… bạn sẽ được thưởng thức hương vị thơm ngon và không khỏi ngạc nhiên với những món ăn được người dân địa phương chế biến từ loại cá biển này.
Nếu là khách phương xa, để không bị “chém”, bị chủ quán “treo đầu cá chuồn ốc mít tính tiền cá chuồn xanh”, bạn nên đề nghị được xem và chọn cá ở thùng trước khi nướng để được thưởng thức đúng loại cá chuồn xanh. Và khi ăn, vị cá chuồn xanh cũng rất riêng, thịt không khô như cá chuồn cồ mà mềm, bùi và có vị ngọt ngọt.
Khi nhà hàng, các chủ kinh doanh dịch vụ ăn uống ở bãi biển Rạng nướng bán lại thì mỗi con có giá 15.000 đồng.
Nếu khách đến bãi Rạng là dân bản địa thì sẽ rất dễ dàng “nhận diện” được đâu là cá chuồn xanh: nó thường dài chỉ khoảng 20cm (ngắn hơn cá chuồn cồ), bề ngang to hơn cá chuồn khơi, dài hơn cá chuồn ốc mít và điểm khác biệt rõ rệt nhất chính là ở màu da xanh đặc trưng như chính tên gọi của nó.
Cá chuồn xanh thường đắt hơn các loại cá chuồng khơi, chuồn ốc mít, cánh gián… và không cân ký bán mà chỉ bán con. Mỗi con cá chuồn tùy thời điểm, tùy lớn bé, có giá 10.000 đồng/con hay 15.000 đồng/2 con.
Cá chuồn xanh nướng có mùi vị đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ loại cá nào. Khi ăn cá chuồn xanh nướng cũng không cầu kỳ, cứ cầm hẳn trên tay, bẻ đôi chấm vào nước mắm nguyên chất hoặc muối sống ớt xanh thì không gì thú vị bằng, vừa ăn vừa xuýt xoa, mằn mặn đầu môi vị muối của đại dương… Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu cá chuồn nướng quấn trong bánh tráng lề (bánh tráng cuốn) kèm rau sống, chấm nước mắm ớt.